Nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025, tại Chùa Am Ngọa Vân, thuộc quần thể di tích Trúc Lâm Yên Tử, một sự kiện văn hóa đặc biệt đã diễn ra: "Giao lưu Văn hóa - Tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm - Huyền Quang, và tri ân Tam Tổ Trúc Lâm".
Tôn vinh công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm
Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức. Những thông tin về Phật giáo Trúc Lâm được chia sẻ tối 20/2/2025 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu, học giả và Phật tử. Tại đây, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, đã chia sẻ về nguồn gốc ra đời của Phật giáo Trúc Lâm, tư tưởng, cũng như ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm với đời sống, trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển chia sẻ về Phật giáo Trúc Lâm và địa danh lịch sử và tâm linh - Chùa Am Ngọa Vân.
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên dưới 2.000 năm, trải qua quá trình du nhập và tiếp biến trở thành Phật giáo Việt Nam. Trước đây, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam với nhiều tông phái khác nhau. Thời Trần có dấu ấn đặc biệt là sự ra đời phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Sự ra đời và phát triển rực rỡ của Phật giáo Trúc Lâm - một tổ chức giáo hội đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà, cùng với sự hiện diện của ba vị Tổ sư người Việt, đó là Sơ Tổ Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang, đã khiến cho Phật giáo Trúc Lâm trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần độc đáo.
Ngọa Vân Am - Thánh địa Phật giáo Việt Nam
Thượng tọa Thích Đạo Hiển cũng chia sẻ về Chùa Am Ngọa Vân - nơi diễn ra sự kiện, là một địa danh lịch sử và tâm linh quan trọng của Việt Nam. Nơi đây không chỉ là nơi tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, mà còn là nơi Ngài nhập Niết bàn, để lại di sản vô giá cho hậu thế. Với vị thế địa linh, Ngọa Vân Am không chỉ là điểm đến hành hương của Phật tử, mà còn là biểu tượng của tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc.
Sự kiện Giao lưu Văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm mang đến nhiều cảm xúc cho những người tham dự.
Ngoài ra, phần diễn xướng thơ ca về Phật giáo Trúc Lâm cũng đã mang đến những giây phút lắng đọng, xúc động cho khán giả. Những vần thơ, giai điệu ca ngợi công đức của Tam Tổ, đặc biệt là Đệ Tam Tổ Huyền Quang, đã chạm đến trái tim của mỗi người, khơi dậy lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Lan tỏa tinh thần Phật giáo Trúc Lâm
Sự kiện "Giao lưu Văn hóa - Tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm - Huyền Quang, và tri ân Tam Tổ Trúc Lâm" không chỉ là dịp để tôn vinh lịch sử, mà còn là cơ hội để lan tỏa những giá trị tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm trong cộng đồng. Qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tâm linh, sự kiện đã góp phần khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời khuyến khích mọi người sống hướng thiện, sống đẹp, góp phần xây dựng một xã hội an lành, hạnh phúc.
Sự kiện góp phần lan tỏa tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.
Trong khuôn khổ sự kiện Giao lưu Văn hóa, nghi thức dâng hương tại Chùa Am Ngọa Vân và lễ tưởng niệm, tri ân công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm sẽ diễn ra trang trọng vào sáng 21/2/2025, thể hiện lòng thành kính và biết ơn của các thế hệ hậu sinh đối với các bậc tiền nhân.