Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều được mệnh danh là Chốn Tổ Nhà Trần. Theo duy danh định nghĩa thì Đông Triều có nghĩa là "triều đình phía đông", An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần. Đây là một trong những vùng ẩn tích chứa nhiều các di sản văn hoá đặc sắc của thời Lý- Trần tại tỉnh Quảng Ninh. Nơi này là vùng đất cổ có tên gọi là An Sinh hay Yên Sinh, đến đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) được đổi tên thành Đông Triều.
Cổng chào Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều
Việc lựa chọn An Sinh là vùng đất thờ tự thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội” của các vua nhà Trần. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần lăng mộ viết: “Bia thần đạo ở An Sinh nói rằng tổ tiên nhà Trần vốn là người ở Yên Sinh huyện Đông Triều, sau dời đến hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, cho nên các vua Trần an táng ở Yên Sinh,mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi ở ẩn”. Năm 1237, Vua Trần Thái Tông ban cho anh trai Trần Liễu làm Yên Sinh Vương (An Sinh Vương) và cấp vùng đất ngũ yên (Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang) đời đời sống ở vùng đất này để thờ cúng tổ tiên. Đền An Sinh là nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và tám vị vua Trần có mộ an táng tại Lăng lớn Yên Sinh.
Đền An Sinh – nơi thờ bát vị Hoàng đế triều Trần
Theo các phát hiện khảo cổ mới nhất thì có khả năng Đền An Sinh chính là phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu lúc đương thời. Kết quả nghiên cứu khoa học gần đây đã khẳng định: Có ba nơi dương trạch: Đền Trần (Nam Định), Đền Trần (Thái Bình), Thái Miếu Trần Triều (Đông Triều – Quảng Ninh). Đền Trần (Nam Định) nằm trong khu vực phủ Thiên Trường nơi các Thái Thượng hoàng sống và làm việc sau khi nhường ngôi cho con. Nơi đây thường tổ chức những ngày cúng vọng như ngày rằm, mùng một, ngày lễ tết. Còn Thái Miếu Trần Triều – Tông miếu hoàng tộc (là Từ đường Vương triều Nhà Trần). Nơi diễn ra lễ chạp họ hàng năm một lần để con cháu dòng tập tụ họp tri ân tưởng nhớ công đức của tiên tổ. Thái Miếu được mở rộng từ Tiên miếu thờ các vị Tổ nhà Trần (Trần Kinh, Trần Lý, Trần Hấp, Trần Thừa) được An Sinh Vương Trần Liễu xây dựng phụng thờ tổ tiên theo lệnh của Vua Trần Thái Tông. Sau khi An Sinh Vương mất, Tiên Miếu được mở rộng thành Thái Miếu hoàng gia phối thờ 4 vị tổ nhà Trần và 14 vị vua Trần (12 vua Trần và 2 vua Hậu Trần).
Thái Miếu – nơi phối thờ 4 vị tổ nhà Trần và 14 vị vua Trần.
Trong ba nơi âm phần: Nam Định, Thái Bình, Đông Triều (Quảng Ninh) thì Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều có hệ thống lăng mộ lớn nhất Việt Nam (gồm 7 lăng). Tháng 6/1381 triều đình đã cho rước thần vị ở các lăng Nam Định, Thái Bình quy tập về lăng lớn Yên Sinh để tránh sự quấy phá của quân Chiêm Thành cũng như thực hiện việc quy tập lăng các vị tiên đế triều Trần về an vị tại khu lăng lớn Yên Sinh tiện cho việc phụng thờ dòng tộc của các thế hệ sau.
Hệ thống 7 lăng mộ vua Trần tại An Sinh – Đông Triều gồm:
1. Tư Phúc lăng - nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và vua Trần Giản Định
2. Đồng Thái lăng - là lăng miếu của vua Trần Anh Tông, vị vua thứ 4 của nhà Trần và phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu
3. Đồng Mục lăng - là lăng miếu của vua Trần Minh Tông, vị vua thứ 5 của nhà Trần
4. Ngải Sơn lăng - là lăng miếu của vua Trần Hiến Tông, vị vua thứ 6 của nhà Trần
5. Phụ Sơn lăng - là lăng miếu của vua Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7 của nhà Trần
6. Nguyên lăng - là lăng miếu của vua Trần Nghệ Tông, vị vua thứ 8 của nhà Trần
6. Hy lăng - là lăng của vua Trần Thuận Tông, vị thứ 11 và Trần Duệ Tông, vị vua thứ 9 của nhà Trần.