Lỗi giao diện: file 'snippets/evo-article-amp.bwt' không được tìm thấy
Trang chủ Liên hệ

Lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam

CÔNG TY CP DỊCH VỤ CÁP TREO TÂM ĐỨC 14/04/2025

Lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước sẽ diễn ra thứ Bảy ngày 19/4/2025 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần - Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Ninh). 

Hình ảnh Chùa Am Ngọa Vân đã được tôn tạo vào năm 2020

Lực lượng Công an chi viện chiến trường miền nam phối hợp Hội cựu Công an nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). 

Lễ tri ân sẽ được tổ chức ngày 19/4/2025 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà Trần - Ngọa Vân (Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo và hội viên Hội Cựu Công an nhân dân Việt nam; các đồng chí lãnh đạo và hội viên ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước (Bộ Công An)…

Sẽ có những hoạt động đáng chú ý tại sự kiện như: Dâng hương tưởng niệm tại Am Chùa Ngọa Vân - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn; Lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ; Thăm và tìm hiểu lịch sử chùa Quỳnh Lâm - trung tâm đào tạo tăng tài lớn của Thiền phái Trúc Lâm; Thăm và tìm hiểu lịch sử đền An Sinh - nơi thờ các vị vua Trần…

Hình ảnh Chùa Ngọa Vân trung được xây dựng từ thời Hậu Lê

Từ 1959 đến tháng 6/1968, bám sát và thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng chi viện cho cách mạng miền Nam, với tinh thần "Tất cả vì tiền tuyến lớn", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã kịp thời lựa chọn, bồi dưỡng, huấn luyện và chi viện gần 13 nghìn cán bộ cho An ninh miền Nam.

Công tác chi viện của lực lượng Công an nhân dân cho chiến trường miền Nam đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân ta làm nên những chiến công trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968; góp phần góp phần quan trọng cùng quân và dân ta làm thất bại "chiến tranh đơn phương", "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ, đặc biệt là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên mỗi cương vị, nhiệm vụ được giao, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm nào, các đồng chí cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam đều không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua khó khăn, thử thách, kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND.

Buổi Lễ tri ân được tổ chức trong không gian linh thiêng của Ngọa Vân - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật, nơi kết tinh giá trị tâm linh, lịch sử và văn hóa dân tộc. Đây là dịp để các cựu chiến sĩ công an nhân dân cùng tưởng nhớ công lao to lớn của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời góp phần khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và hun đúc tinh thần phụng sự Tổ quốc trong mỗi người dân nước Việt.

Hình ảnh Am Ngọa Vân - nơi Phật Hoàng nhập niết bàn (năm 1308)

Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều gồm 14 điểm di tích trải dài qua nhiều thế kỷ, là minh chứng sống động cho một triều đại huy hoàng của dân tộc. Trong đó, Am Chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài là nơi gắn bó với những năm tháng cuối đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, kết tinh giữa tinh thần yêu nước và đạo pháp nhập thế.

Không chỉ là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và nhập niết bàn, Ngọa Vân còn là một miền đất thiêng - trung tâm văn hóa tâm linh quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Trải qua bao thế kỷ, nơi đây không chỉ gìn giữ dấu tích của một bậc minh quân kiệt xuất mà còn trở thành không gian hội tụ của các giá trị đạo lý, nhân văn sâu sắc.

Hình ảnh Tháp Phật Hoàng - nơi tôn trí Xá Lợi Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1308)

Việc tổ chức các hoạt động tri ân, lễ hội Phật giáo và các sự kiện văn hóa tại Ngọa Vân không chỉ mang tính nghi lễ, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần "uống nước nhớ nguồn", khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tôn vinh những người con ưu tú của đất nước - từ những bậc tiền nhân dựng xây giang sơn đến những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.

 

Bài viết liên quan