Đến năm 1308, khi mới 24 tuổi, ông được truyền y bát, trở thành Đệ nhị Tổ Phật giáo Trúc Lâm. Năm 1318, Pháp Loa được vua Trần Anh Tông phong là Quốc sư.
Tam Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang) - ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Phát triển Phật giáo Trúc Lâm và tổ chức giáo hội
Thiền sư Pháp Loa có công lớn trong việc cải tổ và phát triển Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi đảm nhận trọng trách lãnh đạo giáo hội, Pháp Loa đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng về mặt tổ chức, mở rộng hoạt động Phật sự, giúp Phật giáo lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Dưới sự dẫn dắt của thiền sư Pháp Loa, số lượng tăng sĩ và Phật tử tại gia tăng lên đáng kể, nhiều chùa tháp được xây dựng, và phong trào tu học trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân.
Một trong những thành tựu nổi bật của Pháp Loa là việc ấn hành Đại tạng kinh, giúp bảo tồn và phổ biến kinh điển Phật giáo. Bên cạnh đó, ông còn là một tác gia lớn, biên soạn khoảng 10 tác phẩm kinh văn Phật giáo Trúc Lâm, góp phần quan trọng vào việc định hình tư tưởng và thực hành của Thiền phái.
Thiền sư Pháp Loa có công lớn trong việc cải tổ và phát triển Thiền phái Trúc Lâm.
Đóng góp vào sự phát triển của Tự viện Quỳnh Lâm
Ngọa Vân là nơi Sơ tổ Trần Nhân Tông nhập niết bàn, đồng thời là trung tâm tu tập quan trọng, góp phần củng cố và lan tỏa tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.
Tên tuổi của Nhị tổ Pháp Loa cũng gắn liền với sự phát triển của Tự viện Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) - một trung tâm hoằng pháp quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm. Từ năm 1317 đến khi viên tịch vào năm 1330, ông đã biến Quỳnh Lâm trở thành nơi đào tạo tăng sinh lớn, thu hút đông đảo tăng sĩ và Phật tử.
Theo ghi chép trong Tam tổ thực lục, năm 1324, các vương hầu và quý tộc nhà Trần đã cúng dường hơn 1.000 mẫu ruộng cùng hàng nghìn gia nô làm tài sản tam bảo cho chùa Quỳnh Lâm, đi vào câu ca "Sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh".
Dưới sự lãnh đạo của Pháp Loa, Quỳnh Lâm không chỉ là nơi tu học mà còn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện Phật giáo quan trọng. Năm 1319, ông kêu gọi tăng nhân và Phật tử chích máu để in 5.000 cuốn kinh Đại tạng. Thượng hoàng Trần Anh Tông cũng tự chích máu để viết Đại tạng kinh cỡ nhỏ, gồm 20 hộp, lưu giữ tại chùa. Năm 1325, ông tổ chức lễ hội nghìn tượng Phật kéo dài suốt 7 ngày 7 đêm, đồng thời xây dựng hai tòa tháp để rước xá lị vua Trần Nhân Tông về bảo tồn tại Quỳnh Lâm.
Năm 1327-1329, Pháp Loa chỉ đạo đúc pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (5,28m), đánh dấu một thành tựu nghệ thuật tôn giáo quan trọng. Tháng 3/1328, ông cùng Bảo Từ Hoàng Thái hậu và Bảo Huệ Quốc mẫu tổ chức đại trai đàn chuyển Tạng trong 10 ngày đêm, quy tụ chư tăng mười phương về Quỳnh Lâm, thu hút hàng nghìn người tham dự.
Ngọa Vân là nơi Sơ tổ Trần Nhân Tông nhập niết bàn, đồng thời là trung tâm tu tập quan trọng, góp phần củng cố và lan tỏa tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.
Vai trò quan trọng trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam
Các chuyên gia nhận định, Pháp Loa là một nhà tổ chức tài năng của giáo đoàn Trúc Lâm, một nhà hoằng pháp hiệu quả với tầm ảnh hưởng xã hội sâu rộng dưới triều Trần. Nếu như Sơ tổ Trần Nhân Tông là người sáng lập và định hình Thiền phái Trúc Lâm, thì Pháp Loa chính là người kế tục, triển khai và hiện thực hóa tư tưởng của Sơ tổ trên cả phương diện lãnh đạo tinh thần và tổ chức.
Pháp Loa đã nỗ lực không ngừng để bản địa hóa Phật giáo, phát triển các phương pháp tu tập phù hợp với người Việt, đem lại sự an lạc cho nhân dân. Ông đã tiếp nối di sản của Trần Nhân Tông, đưa Phật giáo Trúc Lâm lên một tầm cao mới, cả về học thuật, thực hành và chứng ngộ giải thoát. Nhờ đó, Phật giáo Việt Nam không chỉ hưng thịnh trong nước mà còn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Phật giáo thế giới.
Dù chỉ tại thế 47 năm, những dấu ấn của Nhị tổ Pháp Loa vẫn còn vang vọng đến ngày nay, là nguồn cảm hứng cho hàng triệu Phật tử Việt Nam. Việc tôn vinh và tri ân những công lao của Ngài là một việc làm đầy ý nghĩa, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống hiện đại.
Ngày 31/03/2025 (nhằm ngày 03/03 Âm lịch) - kỷ niệm 695 năm ngày viên tịch của Nhị tổ Pháp Loa (1330-2025), là cơ hội để các thế hệ Phật tử nhìn lại di sản tinh thần mà Ngài để lại, tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị cao đẹp của Phật giáo Trúc Lâm.