Nghi thức dâng hương và lễ tưởng niệm, tri ân công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm vừa diễn ra trang trọng sáng 21/2/2025 tại Chùa Am Ngọa Vân, thể hiện lòng thành kính và biết ơn của các thế hệ hậu sinh đối với các bậc tiền nhân.
Nghi thức dâng hương tại Chùa Am Ngọa Vân và lễ tưởng niệm, tri ân công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm là sự kiện trong khuôn khổ sự kiện Giao lưu Văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm do Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa, Công ty Cổ phần Du lịch Văn hóa Ngọa Vân Yên Tử và Câu lạc bộ Ngôi Trường Cuộc Sống Sắc Màu Tự Nhiên, phối hợp tổ chức.
Đến với Ngọa Vân - một địa danh lịch sử và tâm linh quan trọng của Việt Nam, các vị khách tham dự đều có cảm xúc vô cùng đặc biệt. NSƯT Trần Quang Khải vô cùng xúc động, cất lên một câu hát trong vở kịch “Vua Phật” về Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà anh tham gia 10 năm trước.
Các vị khách tham gia nghi thức dâng hương và lễ tưởng niệm, tri ân công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm.
“Năm 2014 tôi có cơ duyên được vào vai vua Trần Nhân Tông và hôm nay, 10 năm sau tôi được tới Chùa Am Ngọa Vân - nơi Ngài tu hành và nhập niết bàn. Đứng ở vùng đất linh thiêng này, tôi vô cùng xúc động và cảm thấy mình may mắn” - NSƯT Trần Quang Khải.
NSƯT Trần Quang Khải cũng cho biết thêm, năm nay anh mong có cơ duyên cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ dựng lại vở kịch về Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Chương trình Giao lưu Văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm lần này cho anh thêm nhiều cảm xúc để thực hiện dự án.
Họa sĩ Thái Tĩnh (bên phải ảnh) tại chùa Ngọa Vân.
Họa sĩ Thái Tĩnh là một người tu tập thiền. Ở đây, anh cảm nhận Ngọa Vân Am đúng như tên gọi là ngôi chùa trên mây với cảnh sắc tựa chốn bồng lai tiên cảnh. “Tôi cảm thấy thư thái, tĩnh tại khi đứng giữa nơi này. Ngọa Vân Am cũng đem tới cho tôi nguồn năng lượng tích cực và sự sáng tạo rất đặc biệt” - Họa sĩ Thái Tĩnh, chia sẻ.
Với vị thế địa linh, Ngọa Vân Am không chỉ là điểm đến hành hương của Phật tử, mà còn là biểu tượng của tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc.
Di tích Ngọa Vân ngày nay là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp trên núi Bảo Đài. Lớp thứ nhất là 15 di tích dưới chân núi như khu rừng già Tàn Lọng, Phủ Am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn, Ba Bậc. Những di tích này được kết nối với nhau bằng một con đường uốn lượn chạy dần trên đỉnh núi.
Lớp thứ 2 là Chùa Ngoạ Vân Trung được xây dựng từ thời Trần, sau nhiều thập kỷ bị xuống cấp, ngôi chùa mới hiện nay được tôn tạo theo lối kiến trúc chữ Nhị, mô phỏng theo lối kiến trúc xây dựng thời Lê Trung Hưng gồm 2 toà: Tòa Tiền đường nơi đặt bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng đá ngọc bích đỏ, 2 bên thờ Họ Pháp Khuyến thiện và Hộ Pháp Trừng ác. Hậu đường có kiến trúc 3 gian 2 chái: Ban chính giữa, tầng trên cùng là bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, 2 bên thờ 2 thị giả của nhà Phật là Anan và Ca Diếp; Cấp thứ 2 là ban Tam Bảo, 2 bên ban thờ Đức Ông và ban Đức Thánh Hiền.
Lớp thứ 3 cũng là lớp cao nhất của di tích Ngoạ Vân, là nơi được người xưa ca tụng “Vạn cổ anh linh tự - Tứ thời cảnh sắc tân” (Có nghĩa là “Muôn thuở chùa linh ứng - Bốn mùa cảnh sắc tươi”.
Phật Hoàng tháp là nơi lưu giữ một phần xá lợi của Phật Hoàng và Bàn cờ tiên nằm trên đỉnh cao nhất, nhìn ra xung quanh là một vùng núi non sơn thuỷ hữu tình.
Chùa Am Ngọa Vân nằm ở vị trí tâm điểm, là nơi mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành đắc đạo và nhập niết bàn. Vì thế chùa Am Ngọa Vân là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.
Nghi thức dâng hương và lễ tưởng niệm, tri ân công hạnh của Tam Tổ Trúc Lâm cũng như sự kiện Giao lưu Văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm mang ý nghĩa tưởng nhớ bậc tiền nhân, là dịp để cộng đồng cùng tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo Trúc Lâm. Thông qua đó, người tham dự được lắng nghe những câu chuyện về triết lý sống, tư tưởng tu hành của các bậc tổ sư, cũng như ý nghĩa của Phật giáo trong đời sống người Việt từ xưa đến nay.